Thông tin cho Tác giả

Các tác giả có nhu cầu gửi bài vui lòng tham khảo phần Giới thiệu về Tạp chí Kinh tế và Phát triển, cũng như các Quy định gửi bài.

Tác giả cần phải đăng ký tài khoản trước khi gửi bài qua hệ thống trực tuyến. Tác giả có thể tham khảo video hướng dẫn chi tiết cách đăng ký tài khoản tại đây, cũng như video hướng dẫn quy trình gửi bản thảo.

Nếu đã đăng ký tài khoản, tác giả chỉ cần đăng nhập và bắt đầu gửi bản thảo với quy trình 5 bước.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

QUY ĐỊNH GỬI BÀI

1. Quy định chung về gửi bài

Ngôn ngữ:
• Các bài viết gửi đăng phải được viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt khi gửi đăng trên Tạp chí bản tiếng Việt.
• Bài viết phải sử dụng font Unicode và hệ ký tự La-tinh. Trong trường hợp trích dẫn tài liệu tham khảo bằng ngôn ngữ thuộc hệ khác thì phải phiên sang hệ La-tinh.

Tính nguyên gốc và quyền sử dụng dữ liệu:
• Tạp chí Kinh tế & Phát triển không nhận bất kỳ bài viết nào có một phần hay toàn bộ nội dung đã được xuất bản ở tạp chí khác.
• Tác giả có trách nhiệm không gửi bài viết đến tạp chí khác khi chưa có quyết định từ chối của Ban Biên tập Tạp chí.
• Tác giả phải chịu trách nhiệm về nội dung bài viết, tính chính xác của các trích dẫn trong bài viết, tính hợp pháp bản quyền của bài viết. Tác giả phải có trách nhiệm trong việc xin phép sử dụng các dữ liệu từ các cá nhân và tổ chức quản lý/sở hữu dữ liệu.
• Đối với các công trình nghiên cứu chưa công bố mà được sử dụng trong bài viết, tác giả phải gửi kèm văn bản xác nhận sự đồng ý của cá nhân hay tổ chức là tác giả thực hiện nghiên cứu đó.
• Các dữ liệu trình bày trong bài viết phải được trích dẫn nguồn.
• Nghiêm cấm việc sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI như ChatGPT để tạo ra một phân hay toàn bộ bài báo.

Thông tin tác giả:
• Tác giả gửi bài (corresponding author) phải khai báo những thông tin bắt buộc của tất cả các tác giả ở Bước 3 của quá trình gửi bài trên hệ thống trực tuyến, bao gồm họ tên, tổ chức công tác và email liên hệ. Tác giả gửi bài phải có tên trong danh sách tác giả gửi đăng.
• Trong trường hợp bài gửi đăng có nhiều hơn một tác giả, tác giả gửi bài phải chịu trách nhiệm trong việc có được sự đồng ý của tất các tác giả còn lại đối việc xuất bản bài báo trên Tạp chí. Thông tin và vị trí đứng tên của các tác giả phải được kê khai đầy đủ ở Bước 3 của quá trình gửi bài trên hệ thống trực tuyến, là căn cứ cho toàn bộ quá trình xuất bản.

Thông tin bản thảo gửi đăng
• File nội dung toàn văn bản thảo gửi đăng được soạn thảo bằng phần mềm Microsoft Word và không được chứa bất kỳ thông tin danh tính nào của các tác giả (Thực hiện ở Bước 2 của quá trình gửi bài trên hệ thống trực tuyến).
• Các thừa nhận hay lời cảm ơn (nếu có) cần phải gửi ở 1 file tách biệt với file nội dung toàn văn bản thảo (Thực hiện ở Bước 2 của quá trình gửi bài trên hệ thống trực tuyến).

Phương thức gửi bài:
Tác giả chính (chịu trách nhiệm liên lạc) gửi bài viết tiếng Việt đến Tạp chí qua hệ thống trực tuyến tại đây

2. Trình bày văn bản

Quy chuẩn kỹ thuật
Bài viết phải được soạn thảo bằng phần mềm Microsoft Word, với các thiết lập sau:
  • Kiểu chữ (font): Times New Roman;
  • Cỡ chữ (font size): 12;
  • Khoảng cách dòng (line spacing): 1,3; 
  • Căn lề (margin): Normal.
  • Khổ giấy (Size): A4
* Trong trường hợp phải sử dụng các từ tiếng nước ngoài không thể thay thế thì các từ này phải được in nghiêng. 
* Bài viết tiếng Việt dài không quá 7.000 chữ (words). Bản thảo có trên 5 hình/bảng thì hình/bảng thứ 6 trở đi sẽ được quy đổi mỗi hình/bảng tương đương 150 chữ/words và tính vào tổng dung lượng độ dài bài báo tính theo chữ.
* Hạn chế sử dụng các chú thích (footnote), thay vào đó chuyển các footnote nếu có sang dạng trích dẫn trong bài.

Thành phần thông tin

• Bài viết gửi đăng phải bao gồm 2 phần thông tin tách biệt: 
   (i) Trang thông tin tác giả; và 
   (ii) Phần nội dung bài.
• Trang thông tin tác giả (trang đầu tiên và đánh số 0) cung cấp các thông tin sau:
   1. Tên bài viết (bằng tiếng Việt);
   2. Họ và tên tác giả;
   3. Học hàm và học vị (nếu có);
   4. Tổ chức tác giả công tác;
   5. Thông tin liên lạc: Địa chỉ e-mail và điện thoại liên lạc (lưu ý: Tạp chí khuyến cáo các tác giả nên sử dụng e-mail của tổ chức mình công tác);
   6. Các thừa nhận hay lời cảm ơn (nếu có);
   7. Lời cam kết về bản quyền hợp pháp đối với bài báo, cam kết bài báo chưa từng được công bố trên bất kỳ tạp chí nào trước đó, cam kết không gửi bài đến tạp chí khác trong thời gian chờ xét duyệt. 
• Trong trường hợp bài gửi đăng có nhiều hơn một tác giả, tác giả gửi bài phải chịu trách nhiệm trong việc có được sự đồng ý của tất các tác giả còn lại đối việc xuất bản bài báo trên Tạp chí; đồng thời đảm bảo thì từng tác giả phải cung cấp đủ thông tin từ mục 2 đến mục 5 và chỉ rõ tác giả nào là tác giả liên lạc với Tòa soạn.
• Phần nội dung bài viết (bắt đầu từ trang số 1) không chứa đựng bất kỳ thông tin nào về tác giả, và phải đảm bảo các quy chuẩn của một bài báo khoa học do Tạp chí quy định cụ thể tại mục Thành phần bài báo.

3. Thành phần bài báo

Bài báo khoa học đăng tải trên Tạp chí Kinh tế và Phát triển bao gồm những thành phần sau (theo thứ tự, tuy nhiên, trong một số trường hợp, tác giả có thể kết hợp một số thành phần với nhau): 

  • Tên bài báo (tiếng Việt và tiếng Anh);
  • Tóm tắt (tiếng Việt và tiếng Anh); 
  • Từ khóa (tiếng Việt và tiếng Anh);
  • Mã Hệ thống phân loại tạp chí kinh tế (JEL code)
  • Giới thiệu (hoặc đặt vấn đề);
  • Tổng quan nghiên cứu hoặc cơ sở lý thuyết;
  • Phương pháp nghiên cứu;
  • Kết quả và Thảo luận;
  • Kết luận và Giải pháp hoặc Khuyến nghị hoặc Hàm ý;
  • Danh mục tài liệu tham khảo.

- Tên bài báo (Title): Tên bài báo cần phải ngắn gọn (không nên quá 20 chữ/words), rõ ràng và phải phản ánh nội dung chính của bài báo.

- Tóm tắt (Abstract): Tóm tắt không dài quá 200 chữ (words), phản ánh khái quát những nội dung chính trong bài báo và thể hiện rõ những kết quả, đóng góp, điểm mới của bài báo.

- Từ khóa (Keywords): Bài viết cần đưa ra 3 đến 6 từ khoá thể chủ đề của bài. Các từ khóa được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

- Giới thiệu/Đặt vấn đề (Introduction): Phần giới thiệu (hoặc đặt vấn đề) cần trình bày: 
   • Lý do thực hiện nghiên cứu và tầm quan trọng của chủ đề nghiên cứu (có ý nghĩa như thế nào về mặt lý luận và thực tiễn); 
   • Xác định vấn đề nghiên cứu; 
   • Nội dung chính mà bài báo sẽ tập trung giải quyết.

- Tổng quan nghiên cứu và/hoặc Cơ sở lý thuyết (Literature review and/or Theoretical framework): Nội dung phần này cần trình bày:
   • Tổng hợp các công trình nghiên cứu có liên quan để qua đó chỉ ra khoảng trống nghiên cứu (research gap);
   • Và/hoặc Cơ sở lý thuyết liên quan; và khung lý thuyết hoặc khung phân tích sử dụng trong bài.

- Phương pháp nghiên cứu (Methodology): Tác giả có thể lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính hoặc định lượng, hoặc cả hai tùy theo cách tiếp cận mà mình lựa chọn, trong đó cần thể hiện mô hình và các giả thuyết nghiên cứu (nghiên cứu định lượng) và/hoặc thiết kế nghiên cứu định tính. Trong phần này, cách thức thu thập dữ liệu cần được chỉ ra.

- Kết quả và thảo luận (Results and discussion): Kết quả và thảo luận cần: 
   • Diễn giải, phân tích các kết quả phát hiện trong nghiên cứu; 
   • Rút ra mối quan hệ chung, mối liên hệ giữa kết quả nghiên cứu của tác giả với những phát hiện khác trong các nghiên cứu trước đó.
Đối với một số dạng bài báo mang tính chất tư vấn, phản biện chính sách, ý kiến chuyên gia ... phần này có thể chỉ tập trung vào đánh giá thực trạng vấn đề nghiên cứu (đánh giá thành tựu, hạn chế và nguyên nhân).

- Kết luận hoặc /và giải pháp/ khuyến nghị/ hàm ý (Conclusions or/ and solutions/ suggestions /implications): Tùy theo mục tiêu nghiên cứu, các bài báo cần có kết luận và đưa ra giải pháp hay khuyến nghị cho các nhà quản lý doanh nghiệp và/hoặc các nhà hoạch định chính sách xuất phát từ kết quả nghiên cứu. 
- Tài liệu tham khảo (References): Tác giả chỉ liệt kê các tài liệu đã trích dẫn trong bài báo. Các hình thức trích dẫn và trình bày danh mục tài liệu tham khảo được quy định cụ thể tại đây.

4. Trình bày đề mục, bảng, sơ đồ, hình vẽ

Quy định đánh số đề mục

Trong phần nội dung chính của bài báo, các đề mục lớn phải là chữ đậm, căn lề trái và được đánh số liên tục theo chữ số A-rập. Các tiểu mục cấp 1 (ví dụ: 2.1) là chữ đậm, in nghiêng, và các tiểu mục cấp 2 (ví dụ: 2.1.1) là chữ in nghiêng không in đậm.

Quy định trình bày bảng biểu, hình vẽ

• Các bảng dữ liệu trình bày trong bài báo được ghi thống nhất là Bảng. Các bảng dữ liệu phải là định dạng bảng (table) trong phần mềm Microsoft Word.
• Các đồ thị, biểu đồ, sơ đồ trong bài báo được ghi thống nhất là Hình. Các đồ thị/biểu đồ được xây dựng từ phần mềm Microsoft Excel thì tác giả cần gửi kèm file gốc excel của đồ thị/biểu đồ đó. Với các hình được làm bằng các chương trình đồ họa (Corel Draw, Adobe Photoshop…) thì tác giả đính kèm file gốc. Với các hình dạng ảnh (photo), yêu cầu là file JPEG, TIF có độ phân giải không dưới 300 dpi.
• Các bảng, biểu, đồ thị và hình vẽ phải có nội dung là ngôn ngữ tiếng Việt, kể cả bảng, biểu, đồ thị và hình vẽ trích xuất từ phần mềm xử lý dữ liệu (chẳng hạn như phần mềm SPSS).
• Các bảng, biểu, đồ thị và hình vẽ nên được trình bày đen trắng.
• Các bảng và hình trong bài báo phải được đánh số riêng biệt và theo thứ tự liên tục bằng chữ số A-rập, số thứ tự được đặt sau từ “Bảng” hoặc “Hình” (ví dụ: Bảng 1, Bảng 2, Hình 1, Hình 2). Mỗi bảng/hình cần phải có tên tương ứng mô tả chính xác nội dung của bảng/hình. Số thứ tự và tên bảng /hình được đặt ở vị trí phía trên cùng của bảng/hình đó theo phương chiều ngang, chữ in đậm.
• Các bảng/hình trong bài báo phải được dẫn nguồn. Nguồn được đặt dưới cùng của bảng/hình, chữ trình bày in nghiêng, không in đậm.
• Các ghi chú cũng cần được đưa vào để giải thích thêm cho bảng/hình trong trường hợp cần thiết.

5. Trình bày viết tắt, viết hoa, dữ liệu

Viết tắt
• Từ ngữ, thuật ngữ, tên địa danh tiếng Việt không được phép viết tắt. Ví dụ: phải viết đầy đủ “Thành phố Hồ Chí Minh” chứ không viết “Tp HCM”; hoặc phải viết “chủ nghĩa xã hội” thay vì “CNXH”.
• Từ ngữ, thuật ngữ và tên tổ chức bằng tiếng Anh được phép viết tắt, bao gồm cả tổ chức của Việt Nam có tên tiếng Anh. Các từ viết tắt chỉ được sử dụng sau khi chúng được tác giả giới thiệu sau cụm từ đầy đủ ở lần xuất hiện đầu tiên trong bài báo. Ví dụ: World Bank (WB) hoặc Small and medium-sized enterprises (SMEs), Tổng cục Thống kê (GSO),…
• Không viết tắt các cụm dưới 3 từ và trên 5 từ. Ví dụ: Không viết tắt "doanh nghiệp" thành DN.
• Không viết tắt hai cụm từ liên tiếp. Ví dụ: không viết tắt "ngân hàng thương mại cổ phần" thành NH TMCP.
• Các đơn vị đo lường thông dụng cũng được sử dụng ngay mà không cần giới thiệu. Ví dụ: km, cm, m.
* Lưu ý: Đối với các thuật ngữ hoặc tên tổ chức có từ tiếng Việt tương đương thì có thể dùng từ tiếng Việt ở lần xuất hiện đầu tiên, sau đó chú thích viết tắt. Ví dụ: Ngân hàng Thế giới (WB); Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI);…

Viết hoa
• Từ ngữ được viết hoa khi là danh từ riêng (tên riêng) và không viết hoa khi là danh từ chung. Các trường hợp điển hình bao gồm (nhưng không giới hạn):
- Tên các cơ quan - tổ chức: Ngân hàng Thế giới, Tổng cục Thống kê;
- Tên các cá nhân: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp;
- Tên địa danh, địa điểm: Nhà hát Lớn, Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một cột.
* Lưu ý: Khi từ được viết hoa là một từ ghép và không phải tên riêng thì chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của từ đầu tiên. Ví dụ:
- Nhà hát Lớn: “Nhà hát” là một từ ghép nên chỉ viết hoa chữ N trong “Nhà” và chữ L trong “lớn”;
- Ngân hàng Thế giới: “Ngân hàng” và “Thế giới” là hai từ ghép, chỉ viết hoa N trong “ngân hàng” và T trong “Thế giới”;
- Hồ Hoàn Kiếm: Vì “Hoàn Kiếm” là tên riêng nên toàn bộ 3 chữ cái đứng đầu đều được viết hoa.
• Tên các tổ chức hay thể chế được dùng trong cụm từ mà nó có vai trò là tính từ bổ nghĩa thì không viết hoa. Ví dụ: 
- Ngân hàng Trung ương Châu Âu: Viết hoa vì là tên riêng của một tổ chức;
- Các ngân hàng trung ương của các nước Châu Âu: Không viết hoa từ “ngân hàng trung ương” vì không phải danh từ riêng mà chỉ có vai trò bổ nghĩa.

Tên riêng
• Tên riêng của cá nhân, tổ chức, quốc gia hay địa danh được viết theo chuẩn tiếng Anh, trừ trường hợp tên đó đã có cách phiên âm khác đang được dùng phổ biến. Ví dụ:
- Theo chuẩn tiếng Anh: Philippines, Malaysia, Myanmar,…
- Tên Hán – Việt: Pháp, Mỹ, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Luân Đôn, Bắc Kinh,…
- Phiên âm từ tiếng Nga: Gruzia (thay cho Georgia), Latvia (thay cho Lithuania),…

Định dạng ngày tháng
- Định dạng ngày tháng tiếng Việt: ngày… tháng… năm…. Ví dụ: ngày 2 tháng 9 năm 1945 (không viết 2/9/1945);
- Định dạng ngày tháng tiếng Anh: tháng…, ngày… năm… (ví dụ: 3rd October, 2010).

Định dạng con số
• Định dạng con số trong tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho nhóm dãy số thập phân; dấu chấm (.) biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăm hàng nghìn…Ví dụ: 
- 200,500 VND được hiểu là 200 phẩy 5 đồng; 
- 200.500 VND (được hiểu là 200 nghìn 500 đồng).
• Định dạng con số trong tiếng Anh: ngược lại với tiếng Việt: dấu phẩy (,) được biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục hàng trăn hàng nghìn…; Dấu chấm (.) biểu trưng cho cho nhóm dãy số thập phân.

Đơn vị đo lường
• Sử dụng hệ metric phổ biến tại Việt Nam. Nếu tác giả sử dụng các đơn vị thuộc hệ khác thì cần quy đổi sang hệ metric. Ví dụ: Đoạn đường này dài 10 dặm (tương đương khoảng 16,1 km).

Đơn vị tiền tệ
• Viết đầy đủ tên đồng tiền bằng tiếng Việt ở lần xuất hiện đầu tiên, sau đó chú thích và viết tắt 3 chữ cái theo chuẩn quốc tế. Ví dụ: 
- “Đồng Yên Nhật Bản (JPY) hôm nay tăng giá thêm 10%”; 
- hoặc “Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm giá đồng Việt Nam (VND) thêm 10%”.

Ghi chú (notes)
• Các ghi chú được đặt cuối bài báo, trước danh mục tài liệu tham khảo, được bắt đầu bằng tiêu đề “Các ghi chú”. Mỗi ghi chú phải được đánh số theo thứ tự tăng dần (1, 2, 3,…) và phải tương ứng với số đánh ghi chú trong nội dung bài báo.
• Các ghi chú phải ngắn gọn, chỉ sử dụng trong trường hợp thật cần thiết. 
* Lưu ý: Không sử dụng ghi chú cuối trang (footnote).

6. Trích dẫn trong bài

• Trích dẫn trong bài báo (in-text reference) cần bao gồm các thông tin sau:
   - Họ tên tác giả hoặc tên tổ chức xuất bản tài liệu;
   - Năm xuất bản tài liệu;
   - Số trang của nội dung được trích dẫn (đối với trích dẫn nguyên văn).
• Có 2 cách trình bày trích dẫn trong bài báo:
  - Trích dẫn nguyên văn: sao chép chính xác từ ngữ, câu, đoạn văn mà tác giả dùng. Câu trích dẫn nguyên văn phải được để trong dấu “ ” (dấu ngoặc kép) và bắt buộc phải ghi cả số trang của nguồn được trích. Ví dụ: Nguyễn Văn A (2009, 19) nêu rõ “yếu tố C có ảnh hưởng mạnh nhất đến sản lượng nền kinh tế quốc dân”.
  - Trích dẫn diễn giải: diễn giải câu chữ của tác giả khác bằng câu chữ của mình, sử dụng từ ngữ khác mà không làm khác đi nghĩa nguyên gốc. Khi trích dẫu kiểu diễn giải thì không bắt buộc phải ghi số trang. Ví dụ: Yếu tố C có ảnh hưởng mạnh nhất đến sản lượng nền kinh tế quốc dân (Nguyễn Văn A, 2009). Hoặc: Nguyễn Văn A (2009) cho rằng yếu tố C có ảnh hưởng mạnh nhất đến sản lượng nền kinh tế quốc dân.
• Tên tác giả được trình bày như sau: 
  - Tác giả người Việt được viết đầy đủ cả họ và tên. Ví dụ: Nguyễn Văn A (2009);
  - Tác giả người nước ngoài chỉ cần viết Họ. Ví dụ: Kotler (2010) [chú ý: Kotler là họ của tác giả];
  - Trường hợp có hai tác giả thì viết tên cả hai theo quy chuẩn trên, giữa hai tên dùng ký hiệu “&”. Ví dụ: Nguyễn Văn A & Nguyễn Văn B (2009), hoặc Kotler & Smith (2010);
  - Trường hợp có ba tác giả trở lên thì viết tên tác giả đầu tiên theo quy chuẩn trên và thêm “& cộng sự”. Ví dụ: Nguyễn Văn A & cộng sự (2009), hoặc Kotler & cộng sự (2010).
• Trường hợp đặc biệt: Nếu tác giả người Việt xuất bản tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì trình bày trích dẫn theo đúng tên ghi trên tài liệu. Ví dụ: tác giả Nguyễn Văn A xuất bản bài báo tiếng Anh, trên bài ghi tên là Nguyen, V.A. thì trong bài trích Nguyen, V.A. (2009).
* Chú ý: Một khi đã trích dẫn nguồn tài liệu trong bài báo thì các tài liệu này cũng phải được liệt kê trong Danh mục tài liệu tham khảo (references).

7. Trình bày danh mục tài liệu tham khảo

• Danh mục tài liệu tham khảo được đặt cuối bài viết, được bắt đầu bằng tiêu đề “Tài liệu tham khảo”, tiếp theo liệt kê tài liệu tham khảo (sách, bài báo, nguồn ấn phẩm điện tử…) được sắp xếp thứ tự Alphabet theo họ tác giả, tên bài viết/ấn phẩm không có tác giả.

• Chỉ liệt kê các tài liệu tham khảo được trích dẫn trong bài.

• Mỗi danh mục tài liệu tham khảo bao gồm các thông tin: tên tác giả, năm xuất bản, tên tác phẩm, nơi xuất bản.

• Xem chi tiết quy chuẩn trình bày trích dẫn và danh mục các loại tài liệu tham khảo Tại đây.

8. Quy định về đính chính thông tin

Trước khi bản thảo được xuất bản chính thức, tác giả đã được 2 lần kiểm tra bản thảo trước khi in: (i) lần thứ nhất, bản thảo đã được biên tập hoàn chỉnh do BTV bản thảo gửi cho tác giả ở quy trình biên tập; (ii) lần thứ 2, bản bông do BTV dàn trang gửi cho tác giả ở quy trình sản xuất. Trong trường hợp bài báo đã được xuất bản chính thức mà tác giả có đề nghị đính chính thông tin trong bài báo, tác giả cần thực hiện theo các bước sau:

(i). Gửi đề nghị thông tin cần đính chính tới Ban biên tập bằng việc mở thảo luận với BBT trên hệ thống quản lý tạp chí trực tuyến.

(ii). BBT sẽ xem xét sự hợp lý các thông tin mà tác giả đề nghị đính chính để có quyết định chấp thuận hay không chấp thuận.

(iii). Nếu các thông tin đề nghị đính chính được BBT chấp thuận, tác giả sẽ được thông báo chi phí phát sinh (nếu có) cho việc đính chính tùy từng trường hợp cụ thể.